Nhà bị ngấm nước từ khe tường tiếp giáp hàng xóm

   08-06-2023

Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), phần tiếp giáp giữa hai nhà thông thường được gọi là khe lún (khe co giãn), ngoài ra còn có thể là khoảng đất kẹt (khoảng đất trống không thuộc về gia đình nào).

Do khoảng cách thường rất nhỏ nên không thể trát hoàn thiện mặt tiếp giáp giữa hai nhà nên tại những vị trí này tường hay bị ngấm nước mỗi khi trời mưa hoặc thời tiết nồm.

Để xử lý triệt để, việc đầu tiên là xử lý ngăn chặn nước từ trên cao (đỉnh tường của hai nhà tiếp giáp nhau).

Chống thấm khe tiếp giáp giữa hai nhà bằng tôn inox. Ảnh minh họa: chongthamqna.com

Chống thấm khe tiếp giáp giữa hai nhà bằng tôn inox. Ảnh minh họa: chongthamqna.com

Ở trường hợp một, nếu đỉnh tường giữa hai nhà tiếp giáp bằng nhau: Bạn cần lắp thêm máng inox che phủ đoạn khe hở chạy dọc theo thân nhà trùm lên hai thân tường của hai nhà (úp nóc).

Trường hợp hai, tường nhà bạn cao hơn tường nhà hàng xóm: Tại vị trí đỉnh tường nhà hàng xóm cần được lắp đặt hệ thống máng để tránh việc nước mưa chảy từ thân tường nhà bạn xuống khe lún.

Trường hợp ba, tường nhà bạn thấp hợp tường nhà hàng xóm: Tương tự như trường hợp hai nhưng máng được bắt lên tường nhà hàng xóm và phải che phủ chùm qua đầu tường nhà bạn.

Ngoài biện pháp dùng tôn inox, bạn có thể dùng keo chống thấm là loại keo có tính đàn hồi cao gốc Polymer, Crylic hoặc sika, màng khò... Tuy nhiên với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Việt Nam, các giải pháp dùng keo hay sika cũng như các hóa chất phụ gia chống thấm khác đều chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Hiệu quả và ổn định nhất là sử dụng máng tôn inox.

Sau khi khắc phục việc nước từ trên cao chảy xuống, bước tiếp theo là xử lý phần mặt tiền (mặt đứng) vị trí giữa hai nhà. Tại vị trí này việc xử lý cũng đơn giản bởi bạn có thể dùng xốp nhét đầy giữa giữa hai nhà sau đó dùng xi măng trát kín. Để có thể tăng thêm độ bền cho cách xử lý này, bạn nên đóng thêm một lớp lưới sắt (lưới chống côn trùng) ghim cố định vào tường giữa hai nhà, sau đó mới trát hoàn thiện.

Bước cuối cùng là xử lý chống thấm ngược cho tường ở tầng một. Sau khi xử lý hai bước trên, cơ bản là đã chống thấm đạt hiệu quả 80%-95%. Nhưng để đảm bảo triệt để hiện tượng này, bạn nên chống thấm ngược cho bức tường giáp với nhà hàng xóm.

Theo đó cần xử lý chống thấm ngược cho chân tường tầng 1 (cao 120-160cm) từ mặt nền lên tường. Biện pháp thi công là dóc hết lớp vữa cũ và xử lý chống thấm ngược bằng các chất phụ gia hoặc vật liệu chống thấm. Sau khi xử lý xong mới trát hoàn thiện bề mặt. Lưu ý là dùng mác trát cao để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để xử lý dứt điểm việc thấm khe lún, cần tìm ra đúng nguyên nhân, đồng thời nên kết hợp với các công ty thi công chống thấm chuyên nghiệp.

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn