Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn và gia đình để quyết định có nên xây bể bơi trên sân thượng hay không. Ngoài việc chủ động xử lý nguồn nước cũng như kiểm soát sự lây lan các nguồn bệnh từ bể bơi, việc xây hồ bơi tại nhà phần nào bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tuy vậy, đây là một dạng công trình đặc biệt nên chi phí xây dựng khá cao.
Còn nếu như công trình sau một thời gian sử dụng mới nghĩ đến việc xây thêm bể bơi trên sân thượng sẽ tốn nhiều chi phí và cải tạo phức tạp.
Những lưu ý khi xây hồ bơi trên sân thượng.
Đầu tiên cần có sự tính toán kỹ lưỡng về kết cấu, đảm bảo tải trọng của hồ bơi lên công trình. Từ kết cấu móng, sàn cột, bê tông sàn... phải đảm bảo được hệ số an toàn.
Nếu như bạn xây dựng có thiết kế ngay từ đầu, sẽ không gặp nhiều khó khăn. Mọi việc chỉ trở nên phức tạp nếu như không có tính toán trước đó, bởi việc xây bể bơi trên sân thượng rất khác so với việc làm bể bơi dưới đất.
Trọng lượng của một mét khối nước khoảng 1.000 kg. Dựa vào thông số này, bạn có thể tính được hồ bơi nhà mình nặng bao nhiêu tấn, dồn tải trọng lên dầm cột. Từ đó cùng với kỹ sư kết cấu xem xét kết cấu tường, cột dầm trong nhà có đủ điều kiện để xây bể bơi trên sân thượng hay không.
Bạn cần đảm bảo việc đặt hồ bơi không gây tác động gì lớn đến kết cấu chính của ngôi nhà đang ở. Cần kiểm tra độ vững chắc của nền móng trước khi có ý định xây dựng bể bơi trên sân thượng (nếu như bạn thi công bể bơi sau).
Nếu nền đất yếu, móng nhà không chắc, không nên xây thêm bể bơi phía trên, nếu không nhà dễ bị nứt vỡ, thậm chí gây sụt lún.
Cấu tạo hồ bơi sân thượng có gì khác biệt?
Hồ bơi trên thượng hay dưới đất cũng là hồ chứa nước, tuy nhiên khi đặt trên sân thượng, mọi thứ cần được tính toán chi tiết để giảm tối đa tải trọng. Máy móc và các thiết bị xử lý cũng cần phải tinh giản, gọn gàng nhất. Ngoài ra cần sử dụng đến những vật liệu thông minh, nhằm giảm tải trọng như: hệ thống bơm lọc nước, vật liệu nhẹ ốp lát như gạch và bê tông, kết cấu sàn.... Những chi tiết này khiến chi phí đội lên khá nhiều.
Tuyệt đối không tận dụng trần nhà có sẵn để làm đáy hồ bơi mà cần tách riêng hai lớp sàn, tránh việc trọng lượng bể dồn thẳng lên sàn gây thấm dột. Sau khi xây hồ bơi cần xả nước kiểm tra chống thấm trong 48 tiếng.
Ngoài ra, việc xây hồ bơi trên sân thượng cần có các tiện ích và không gian công năng bổ trợ đi kèm như khu vệ sinh, tắm tráng... Quá trình bảo trì bảo dưỡng định kì cũng cần được thực hiện bởi các đơn vị thi công lắp đặt chuyên nghiệp.